Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tính chuyện dừng thi công dự án

27/09/2019

“Buộc phải dừng thi công dự án trong tháng 8/2019” là nội dung mà các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát của dự án cao tốc trung Lương – Mỹ Thuận xác định trong cuộc giao ban sáng 24/7. Cùng dự có đại diện UBND tỉnh Tiền Giang, là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án đường bộ quan trọng bậc nhất ở miền Nam lúc này.

Ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận báo cáo tình hình thực hiện dự án

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công từ tháng 9/2009, với kỳ vọng góp phần phá thế độc đạo về miền Tây, nơi đóng góp phần lớn sản lượng nông nghiệp xuất khẩu và bản đảm an ninh lương thực cho cả nước. Sau vài lần khởi công rồi… dừng, từ cuối tháng 3/2019, dự án đã được thi công trở lại sau khi được các nhà đầu tư mởi Tập đoàn Đèo Cả tham gia tái cấu trúc, nâng cao năng lực dự án. Sau hơn 3 tháng thi công trở lại, dự án đã đạt được khối lượng thi công lên tới 25% (trong khi 10 năm trước đó dự án này chỉ thi công được 10% khối lượng). Tốc độ thi công đó làm Quốc hội, Chính phủ và người dân hy vọng về việc dự án sẽ về đích đúng kỳ hoạn, cao tốc sẽ hoàn thành vào năm 2010. Nhưng một lần nữa, con đường cao tốc kỳ vọng lại đứng trước gian nan.

Nhà thầu, nhà đầu tư đã làm hết sức

Ngay từ sáng, dù trời miền Tây mưa rả rích, các nhà thầu, nhà đầu tư và cả đại diện UBND tỉnh đã đến từ rất sớm. Ai cũng tỏ ra âu lo bởi mới ngay ngày trước đó (sáng 23/7), một việc vô tiền khoáng hậu đã xảy ra: nhà thầu phụ gói thầu XL13, là Công ty TNHH Thành Nơi đột ngột cho dừng thi công, giăng bangron đòi nợ chủ thầu. Đại diện công ty Thành Nơi cũng trăn trở nói trong nước mắt: “Hơn ba tháng qua, tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ, của Quốc hội và niềm tin của nhân dân, chúng tôi đã cùng nhà thầu và các nhà đầu tư nỗ lực không ngừng, dù khó khăn nhưng tất cả các gòi thầu đều rầm rộ thi công. Chúng tôi huy động tiền của từ gia đình, bạn bè, họ hàng cho đến vay mượn để làm, mong muốn hoàn thành phần nhiệm vụ của mình. Nhưng nay chúng tôi đã kiệt sức, nợ nần đuổi theo sau lưng. Chúng tôi đang lân vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, chết dở sống dở, vỡ nợ tới nơi. Việc giăng băng rôn đòi nợ và dừng mọi công việc trên công trường là việc chẳng đặng đừng…”.

Ông Trần Văn Dũng ​- Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang rất đồng tình với ý kiến các bên nêu ra và cho biết Chủ tịch tỉnh Tiền Giang đang đăng ký làm việc, báo cáo với Thủ tướng, với Chính phủ nhưng do thủ tục nên phải có thời gian thực hiện. Ông mong muốn Chủ đầu tư, các Nhà thầu, các bên liên quan cùng chung tay vượt qua khó khăn không để dự án phải chậm, phải dừng.

Ông Thắng, đại diện nhà đầu tư Tuấn Lộc nói trong căng thẳng: “Chúng tôi đã đầu tư vào đây hơn 500 tỉ đồng. Từ 3 tháng qua chúng tôi đã rất tin tưởng Chính phủ, tin tưởng Quốc hội, đã cùng doanh nghiệp dự án cùng các nhà thầu nỗ lực thi công không ngưng nghỉ, công trường luôn sôi động, anh em công nhân cũng có niềm tin mà làm việc. Nhưng giờ đây, sau bao nhiêu nỗ lực, mỗi ngày chi cả tỉ đồng nhưng nguồn vốn nhà nước cấp cho dự án, nguồn vốn tín dụng ngân hàng hứa cho vay ở đâu cũng chưa thấy! Chúng tôi đã kiệt sức, kiệt tiền, đời sống cán bộ - nhân viên đang bị ảnh hưởng. Chúng tôi luôn biết dự án Trung Lương – Mỹ Thuận đã rất khó khăn nên tin tưởng cùng doanh nghiệp dự án và Chính phủ ghé vai gánh vác. Thế nhưng chúng tôi chuyển động mà không thấy nhà nước chuyển động nên thật sự chúng tôi vô cùng tuyệt vọng…”.

Ông Ngô Bá Hùng, đại diện nhà đầu tư và nhà thầu B.M.T. (doanh nghiệp góp 10% trong dự án) cũng cho biết đang thật sự khó khăn. Ông nói: “Việc các nhà đầu tư, nhà thầu bỏ tiền vào đây và sa lầy là điều không ai mong muốn. Sau tái cấu trúc, chúng tôi đã lao vào công việc việc bằng niềm tin và sự hăng say. Nhưng bây giờ thực tế không hoàn toàn như vậy. Thưa quý vị, không chỉ ngày hôm qua một nhà thầu phụ giăng bangron đòi nợ mà nếu ngày mai, ngày kia các nhà thầu khác cũng đồng loạt làm như vậy thì chúng tôi cũng thật sự không biết phải làm sao vì điều này thật sự ngoài khả năng của chúng tôi…”.

Cùng chung nỗi niềm, các nhà đầu tư và nhà thầu khác cũng đồng kêu khổ và bày tỏ sự thất vọng khi họ đã chi tiền ứng trước, đã rất nỗ lực nhưng vẫn chìm trong mòn mỏi. Họ đồng nhất trí: nếu không được rót vốn, sau khi làm hết phần vốn tự có, không chỉ các nhà đầu tư, nhà thầu lâm cảnh nợ nần mà bắt buộc dự án phải thi công.

Ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Chủ tịch HĐQT BOT Trung Lương – Mỹ Thuận xót xa bày tỏ: “Chúng tôi không muốn điều này xảy ra, vì nếu xảy ra là sẽ có tổn thất. Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm với dự án, với nhà thầu, nhà đầu tư và với nhân dân, trong tình thế chẳng đặng đừng, phải buộc xác định thời điểm dừng thi công để tránh tổn thất nhiều hơn”.

Lỗi do ai?

Không thể có việc một dự án trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư trên 12.000 tỉ đồng phải đứng trước nguy cơ phải dừng mà không có lỗi của ai. Vậy việc đó nguyên cơ từ đâu?

Tại hội nghị giao ban, ông Mai Mạnh Hồng – Tổng Giám đốc BOT trung Lương – Mỹ Thuận phân tích: Dự án đã được liên danh các ngân hàng (đứng đầu là Vietinbank) thoả thuận cho vay tín dụng từ tháng 6/2018, tuy nhiên đến nay, với những điều kiện giải ngân khắc nghiệt và vô lý đã khiến không có đồng vốn nào được giải ngân dù các nhà đầu tư đã tự ứng ra gần 2.500 tỉ đồng để thi công (và khoảng 500 tỉ từ các nhà thầu).

Chưa hết, do xử lý những hậu quả do các nhà đầu tư cũ để lại, khi vào tiếp quản dự án, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã trình hồ sơ điều chỉnh tổng thể dự án, nên có những hạng mục thay đổi, như phương án xử lý, gia cố nền đất yếu thay đổi, tăng tốc thời gian thi công theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ làm thay đổi tổng mức đầu tư… Hồ sơ điều chỉnh dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng và cả Bộ Giao thông vận tải thẩm định, thông qua do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt điều chỉnh dự án, chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án. Do đó, nguồn vốn tín dụng cũng bị tắc bởi các yêu cầu thủ tục, hồ sơ của Ngân hàng chưa được đáp ứng.

Cùng với đó, ngặt nghèo hơn nữa là nguồn vốn 2.186 tỷ Nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án đến giờ phút này chưa được giải ngân dù Chính phủ đã có chủ trương thông qua.

Ông Trần Văn Dũng, phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trong cuộc họp cũng giải bày: “Chúng tôi hiểu khó khăn lớn nhất của dự án và các nhà đầu tư, nhà thầu là về vốn. Bản thân tôi có 9 năm làm lĩnh vực đầu tư (ông Dũng nguyên là giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Tiền Giang) nên chúng tôi không lạ gì quy trình…”. Ông chia sẻ với các nhà đầu tư, nhà thầu và nói rằng “chúng ta không mong muốn phải dừng kỹ thuật; chúng ta đến đây là để cùng bàn giải pháp tháo gỡ…”. Cũng như ông, các nhà đầu tư, các nhà thầu đều mong muốn giải pháp tháo gỡ và ai cũng biết: chìa khoá của giải pháp đó đang nằm trong tay của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang.

Chốt lại cuộc giao ban, ông Lưu Xuân Thuỷ kết luận rất ghi nhận nỗ lực của các nhà đầu tư, nhà thầu, các tư vấn giám sát và UBND tỉnh Tiền Giang thời gian đã đồng cam cộng khổ, tăng khối lượng thi công, ứng vốn thi công và giải phóng mặt bằng. “Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư, nhà thầu đã chi ra trên dưới 3.000 tỉ đồng và đến nay đã đi quá khả năng chịu đựng của những người thi công. Phải xác định điểm dừng kỹ thuật để tránh tổn thất, đó là trách nhiệm của những nhà đầu tư, nhà thầu chân chính”.

Ông Thuỷ cũng yêu cầu các bên khi đó phải quay phim, chụp hình hiện trường dự án, lập biên bản thời điểm dừng, các nhà thầu phải cam kết khi có điều kiện thuận lợi phải thi công trở lại với một tinh thần trách nhiệm và yêu cầu Ban điều hành dự án iếp tục phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang để tháo gỡ các khó khăn.

Ông Thuỷ cũng đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm kết thúc việc phê duyệt điều chỉnh dự án, làm cơ sở để làm việc với ngân hàng; sớm làm việc với các cơ quan trung ương để có lộ trình giải ngân 2.186 tỉ mà Chính phủ đã ghi cho dự án kỳ vọng Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án được khởi công lần đầu tháng 11-2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 7-2-2015 dự án được tái khởi động bởi liên danh các nhà đầu tư gồm Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Công ty CP đầu tư cầu đường CII. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý 2-2020.

Sau khi tái khởi động, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.

Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Bộ GTVT chấp thuận mời nhà đầu tư có đủ năng lực là Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án.

Sau khi tham gia vào dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ và dự án được tái khởi động vào tháng 4-2019 với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Chính phủ.

Sau một thời gian rầm rộ thi công nhằm đạt mục tiêu hoàn thành 50-60% khối lượng trong năm 2019, đến nay dự án lại có dấu hiệu chững lại vì tiếp tục gặp khó khăn do vốn Ngân sách nhà nước đến nay chưa được cấp và vốn vay ngân hàng chưa được giải ngân.

Đặng Phương