Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận chuẩn bị hoàn thành nhưng chưa có cơ chế thu phí

08/01/2022
Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khảo sát nhằm đánh giá chất lượng, tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tham gia đoàn khảo sát có đại diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, đại diện HĐND tỉnh, đại diện Sở GTVT, Ban QLDA và các phòng ban liên quan khác của tỉnh Tiền Giang.

Đoàn công tác đã thực hiện khảo sát toàn tuyến từ nút giao Thân Cửu Nghĩa (điểm đầu dự án) đến nút giao An Thái Trung (điểm cuối dự án). Tại hiện trường dự án, đại diện Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án) - Tổng Giám đốc Nguyễn Tấn Đông đã báo cáo tóm tắt về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Ông Nguyễn Tấn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận báo cáo tiến độ và các phương án xây dựng trạm thu phí cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Theo đó, với mong muốn mở lối đi để giảm tải lưu lượng trên tuyến Quốc lộ 1A vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn nhưng Ban điều hành đã nỗ lực vượt qua trở ngại đó để duy trì công tác thi công.

Tính đến thời điểm này, sau hơn 2,5 năm tiếp nhận, Tập đoàn Đèo Cả đã điều hành đưa dự án đạt khoảng 90% khối lượng. Những ki-lô-mét đường cuối cùng đang được thảm nhựa, hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng,… đang được các nhà thầu gấp rút thi công. Dự án nhận được sự ủng hộ của nhân dân, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành và tỉnh Tiền Giang kịp thời tháo giỡ các khó khăn vướng mắc. Hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân cũng đang nỗ lực ngày đêm để hoàn thành dự án sớm nhất có thể.

Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận ngày cuối năm 2021

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tới gần 40km đi qua vùng địa chất yếu cần phải xử lý nền bằng phương pháp cắm bấc thấm gia tải. Doanh nghiệp dự án đã mời các chuyên gia nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật dự án, rút ngắn tiến độ. Để giải quyết bài toán nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá cả biến động lớn, Doanh nghiệp dự án đã chủ động tìm kiếm nhà cung cấp và ký kết hợp đồng bình ổn giá. Các nhà thầu kém năng lực thi công và thiếu năng lực tài chính cũng được thay thế bằng nhà thầu đáp ứng năng lực.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Doanh nghiệp dự án đã chủ động làm việc với cơ quan chức năng để thực hiện tiêm vắc-xin Covid 19 cho toàn bộ CBNV. Ngoài ra, khi các nhà đầu tư và các nhà thầu không đủ nguồn vốn thực hiện, Tập đoàn Đèo Cả đã ứng 500 tỷ đồng bổ sung để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Đến nay đề án thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vẫn chưa được phê duyệt, vì vậy, việc thu phí hoàn vốn dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ không thực hiện được.

Doanh nghiệp dự án đề xuất 2 phương án tháo gỡ vướng mắc này. Theo đó, phương án 1 là sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng và thay mới hệ thống thiết bị thu phí các trạm thu phí của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương để thực hiện chức năng kiểm soát đầu vào (hướng TP Hồ Chí Minh đi Mỹ Thuận) và đầu ra (hướng Mỹ Thuận đi TP Hồ Chí Minh) theo nguyên tắc chỉ thu phí các phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ điểm đầu là nút giao Thân Cửu Nghĩa đến điểm cuối là nút giao An Thái Trung và ngược lại); không thu phí các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (từ trạm Chợ Đệm đến điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là nút giao Thân Cửu Nghĩa và ngược lại). Với phương án này không cần giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư 160 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 7 tháng.

Phương án 2 là xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến chính tại Km51+940. Với phương án này cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 13 tháng. Điều này sẽ dẫn đến việc thu phí hoàn vốn chậm hơn khoảng 6 tháng, phát sinh phí lãi vay so với phương án 1 khoảng 396 tỷ đồng. Phương án này sẽ gây lãng phí, khi cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được thu phí trở lại thì hệ thống trạm thu phí đặt trên tuyến chính không tận dụng được.

Doanh nghiệp dự án cho biết đã gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải sớm có cơ chế thu phí để Dự án được đưa vào vận hành, khai thác, phát huy hiệu quả và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Minh Anh