Khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hoàn thành lời hứa với hơn 20 triệu người dân ĐBSCL

27/04/2022

Ngày 27/4/2022, tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã tham dự và cắt băng khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong kết nối giao thương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án được đầu tư bằng hình thức PPP do doanh nghiệp tư nhân đầu tư có sự tham gia vốn đối ứng của Nhà nước.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào lưu thông 2 chiều trên tuyến chính không thu phí từ 07h30, ngày 30/4/2022, dự kiến trong 60 ngày với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h. Đây là thời gian để Công ty triển khai các bước thử nghiệm vận hành trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.

Nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương Tập đoàn Đèo Cả, Ban quản lý Dự án, cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn để thực hiện được lời hứa với Chính phủ, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng đúng tiến độ.

Phó thủ tướng cho biết, việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh nhằm phát triển bền vững khu vực ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao tinh thần làm việc, cách làm chủ động, sáng tạo của Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị liên quan

“Việc khánh thành đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với chiều dài 51,5km, quy mô 4 làn xe có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là bước khởi đầu để phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành tiếp 361km đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, phấn đấu đến 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau” – Phó Thủ tướng nói.

Về một số công việc sau khi khánh thành cao tốc, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng đã nêu kiến nghị lên Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bên liên quan để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Đối với UBND tỉnh Tiền Giang, kiến nghị phối hợp với các bên liên quan nhằm đưa trạm thu phí vào hoạt động trước ngày 30/6/2022, xác định lại mốc thời gian thu phí để thực hiện điều chỉnh Hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng làm cơ sở quyết toán hoàn thành dự án; Bố trí lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với Doanh nghiệp vận hành và quản lý cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; Tiếp tục giải phóng mặt bằng còn lại đảm bảo việc thực hiện hoàn thiện hệ thống đường gom bổ sung do UBND Tỉnh đề xuất; Phối hợp với Bộ GTVT thống nhất với Nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng Trạm dừng nghỉ, Trung tâm quản lý khai thác duy tu bảo trì trên tuyến cao tốc để phục vụ nhân dân và nâng cao tuổi thọ công trình.

Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng kiến nghị xử lý các công việc sau khánh thành

Đây là dự án kéo dài trong nhiều năm không triển khai được làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và hoạt động giao thông của người dân ĐBSCL, đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ông Hồ Minh Hoàng cũng kiến nghị khen thưởng cho các bên liên quan đã có đóng góp rất lớn để hoàn thành Dự án trong điều kiện khó khăn về mọi mặt.

Box: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công lần đầu từ tháng 11 năm 2009, sau gần 10 năm đình trệ với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và đến hết năm 2018, dự án chỉ mới hoàn thành được hơn 10% tiến độ.

10 năm đình trệ và 3 năm bứt tốc khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị điều hành dự án

Bước sang năm 2019, Dự án đối mặt với hàng loạt vấn đề như không huy động được nguồn vốn vì tất cả các phương án tài chính đều bị phá vỡ; 1 thành viên liên danh nhà đầu tư liên quan đến nhiều vụ án hình sự; tuyến đường có 45km đi qua vùng đất có địa chất yếu cần được xử lý; tình hình ngập mặn khiến chi phí vận chuyển vật liệu leo thang, thời gian vận chuyển kéo dài; sức ép về niềm tin của Đảng, Chính phủ và hơn 20 triệu đồng bào miền Tây lên Dự án…

Tháng 3 năm 2019, khi Chính phủ chuyển Cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (DNDA).

Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai hàng loạt biện pháp xử lý vướng mắc

Ngay sau khi tiếp nhận, Tập đoàn Đèo Cả đã “nhập cuộc” với quyết tâm “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”, nhanh chóng thực hiện một loạt biện pháp để tái khởi động: kiện toàn năng lực quản trị điều hành; chuyển văn phòng làm việc từ TP.HCM về đặt tại hiện trường dự án; loại nhà đầu tư 0 đồng, nhà thầu kém năng lực; bố trí nhân sự giàu kinh nghiệm để tổ chức vận hành… và giải quyết hàng loạt các vấn đề khác trong quá trình thi công.

Phó thủ tướng Lê Minh Thành và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng tặng quà cho các đơn vị có đóng góp tiêu biểu

Sau 3 năm tiếp nhận điều hành, Tập đoàn Đèo Cả cùng các đơn vị liên quan đã đưa dự án cán mốc khánh thành, đáp ứng niềm mong đợi của người dân và niềm tin của Chính phủ. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hơp cùng UBND tỉnh Tiền Giang giải quyết các tồn tại, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn giao thông, tố chức đánh giá quá trình khai thác để hiệu chỉnh trước khi đi vào thu phí hoàn vốn cho Dự án.

Nguyễn Nga