BOT Trung Lương – Mỹ Thuận: “Thông trách nhiệm” để không lỗi hẹn thêm lần nữa

05/05/2019
Sau khi nhận lời mời của Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tham gia nâng cao năng lực quản trị dự án cao tốc này, ngay lập tức, Tập đoàn Đèo Cả đã “nhập cuộc” bằng việc rốt ráo thực hiện một loạt bước đi nhằm tái khởi động dự án bị đình trệ tới 10 năm qua.

Tổng Giám đốc Mai Mạnh Hồng báo cáo tiến độ dự án cho Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng (bên ngoài, bên trái), ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân ( thứ 2 từ trái), ông Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Đặc biệt, từ trung tuần tháng 4 đến nay, BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã có những hoạt động rất cụ thể để tháo gỡ thúc đẩy dự án. Những tín hiệu khả quan có thể thông xe vào năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được thắp sáng.

Quyết tâm chính trị của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: “Vấn đề gì liên quan đến Bộ, Bộ thực hiện. Vấn đề gì thuộc về trách nhiệm của tỉnh, tỉnh thực hiện. Có những cái chúng ta làm chậm, chậm phải có lý do. Tất cả chúng ta phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cơ bản thông tuyến vào cuối năm 2020”.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Tiền Giang) được khởi công từ tháng 11/2009.Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến tháng 02/2015, dự án được tái khởi động và tiếp tục đình trệ bởi nhiều vướng mắc.

Để tháo gỡ những bất cập tiến tới hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Thường trực Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019, chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang để địa phương chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án.

Nỗ lực thông tuyến vào cuối năm 2020 bằng việc tái sắp xếp, khởi động lại dự như là một quyết tâm chính trị, thực hiện sự cam kết của Chính phủ với người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiếm một tuyến đường cao tốc nào lại được Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều như dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Còn nhớ, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND Thành phố Cần Thơ ngày 5/12/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành nhiều thời gian thông tin đến các cử tri các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, có nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Chủ tịch Quốc hội nói vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (hơn 40 km) và đang đầu tư tiếp đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận. Kế hoạch đến năm 2020 thông tuyến cao tốc tới TP Cần Thơ.

Toàn cảnh Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã nhiều lần họp bàn gỡ vướng mắc, thúc đẩy xây dựng dự án đường cao tốc này. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát tuyến 2 lần, các Phó Thủ tướng khác cũng đã có rất nhiều cuộc làm việc ở các khía cạnh khác về chính sách, về vốn... cho dự án.

Mới đây, ngày 20/4, nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Ban tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã trực tiếp thăm hiện trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Sau khi thực địa công trường thi công tại các gói thầu của dự án, lắng nghe báo cáo của lãnh đạo công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các công nhân, ông Thuận Hữu đã đánh giá cao sự vào cuộc bằng quyết tâm cao độ với những hoạt động triển khai cụ thể, quyết liệt của nhà đầu tư mới. Ông Thuận Hữu bày tỏ sự tin tưởng nhà đầu tư sẽ đưa dự án về đích đúng tiến độ.

“Muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm”

Đó là một trong số các khẩu hiệu mà nhà đầu tư đặt ra khi bước vào cuộc tái khởi động dự án.

Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông Việt Nam Bùi Ngọc Cải: “Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thi công trên cốt nền đất yếu. Nhưng nền yếu thế nào, về mặt kỹ thuật chúng ta đều có thể xử lý được. Nhưng không “chống lún” được trách nhiệm của các bên liên qua thì chúng ta không hoàn thành được con đường này”.

Từ khẩu hiệu thành hành động, ngày 19/4/2019, tại TP Mỹ Tho, Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lần đầu tiên, 3 bên chính thức ngồi lại với nhau cùng nhìn nhậnthực trạng dự án, bàn cách tháo gỡ những vướng mắc để hoàn thành việc xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận một cách thuận lợi nhất.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định:“Dự án này được sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Còn có nhiều vướng mắc nhưng chúng ta phải vượt qua để hoàn thành”.

Những vướng mắc đó, chẳng hạn như đến nay việc chuyển CNNCTQ từ Bộ GTVTvề Tiền Giang vẫn chưa hoàn tất các thủ tục hành chính. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết: “Bộ sẽ phối hợp cao độ, chặt chẽ với tỉnh để triển khai việc chuyển giao này”.

Về kinh phí 2.186 tỷ đồng mà Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án, Bộ trưởng cho biết: “Tôi đã ký văn bản đề nghị bộ, ngành bố trí nguồn vốn này và sẽ đốc thúc Chính phủ sớm rót nguồn hỗ trợ cho dự án”.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang thì cho hayđã giải tỏa 50,51km đạt 98% khối lượng giải phóng mặt bằng. Còn 590m chưa bàn giao và tỉnh cam kết sẽ quyết liệt trong thời gian tới.

Đại diện tỉnh nhìn nhận, do thủ tục chuyển đổi cơ quan QLNNCTQ chưa hoàn chỉnh nên việc tiếp cận nguồn vốn chưa thực hiện được.Nguồn vốn 500 tỉ đồng (trong số 2.186 tỉ Nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư) nếu không được giải ngân kịp thời lúc này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho dự án.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: “Dưới góc độ báo chí và truyền thông, cách trao đổi thông tin cởi mở, thẳng thắn với các cơ quan thông tấn báo chí đã khẳng định cách làm việc cầu thị, minh bạch và sự làm việc quyết liệt hành động của Tập đoàn Đèo Cả”.

Sau đó một ngày (20/4), hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại Bến Tre được tổ chức với sự hiện diện của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, lãnh đạo sở Giao thông vận tải các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các nhà đầu tư, nhà thầu của dự án. Đại diện nhà đầu tư sau khi dẫn ra hàng loạt những khó khăn, đồng thời đưa ra bước đi cụ thể đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án, quyết tâm không lỗi hẹn thêm một lần nữa với đồng bào khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT BOT Trung Lương – Mỹ Thuận kiên quyết: “Nếu nhà thầu nào không bảo đảm được chất lượng và tiến độ sẽ bị thay thế”

Các giải pháp đã được hội nghị đề ra để bù đắp tiến độ đã bị chậm trước đây làm cơ sở điều chỉnh tổng tiến độ thực hiện. Nhà đầu tư cho rằng nguồn gốc khách quan của việc chậm tiến độ từ trước là việc tổ chức thực hiện dự án. Nếu các bên nhìn ra được điểm yếu, các việc chưa đảm bảo để triển khai theo thông lệ bình thường, qua đó, thẳng thắng nhìn nhận tồn tại và đề xuất giải quyết cụ thể trên tinh thần thẳng thắn nhận sự yếu kém, sai sót của mình, sẵn sàng ngồi lại với nhau để tháo gỡ vướng mắc.

Nhà đầu tư cũng đề nghị xác lập kế hoạch xử lý tổng thể các nội dung tồn tại để bù đắp công việc đã chậm. Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn đều thể hiện tinh thần “không đỗ lỗi cho nhau”, thật sự cầu thị.

Việc thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 như súng đã lên đạn. Để phát súng ấy trúng đích, buộc các bên liên quan phải thật sự đồng lòng, chung sức và thể hiện sự quyết tâm không lỗi hẹn thêm lần nữa với 23 triệu dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Quang Thành