Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe kỹ thuật sau 10 năm đình trệ

20/01/2022
(Dân trí) - Ngày 19/1, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) chính thức thông xe sau gần 10 năm đình trệ. Tuyến đường đáp ứng ngay nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TPHCM - Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), giao với quốc lộ 30, cách cầu Mỹ Thuận 10km về phía Bắc.

Có mặt tại buổi lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sau lễ thông xe, chủ đầu tư, đơn vị thi công và các ngành có liên quan tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, trước mắt là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân lưu thông dịp Tết Nhâm Dần 2022".

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến giao thông quan trọng của một khu vực trọng yếu của nước ta, vừa là vựa trái cây, vựa lúa, vựa thủy sản quan trọng của quốc gia. Hôm nay, chúng ta vui mừng chứng kiến lễ thông xe dự án này, cũng là sự chứng kiến việc tiếp tục đầu tư phát triển, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với khu vực ĐBSCL trong tình hình khó khăn kéo dài vì phải chống chọi và thích ứng với dịch Covid-19".

Chủ tịch nước cho rằng, dự án hoàn thành đưa vào phục vụ người dân ngay trong dịp trước tết có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những góp phần giảm tai nạn giao thông mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 2009, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công với tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, vì nhiều lý do nên Dự án vẫn còn dang dở, số vốn đầu tư điều chỉnh chỉ còn 12.000 tỷ đồng. Trong đó vốn BOT hơn 10.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang và trao quyết định giao hơn 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước ngay tại công trường dự án.
Năm 2021 vừa qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo, động viên của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khánh thành sớm hơn dự định (21/1/2022) để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của hơn 20 triệu người dân miền Tây.

Sau lễ thông xe, đoàn xe đầu tiên của lãnh đạo Trung ương, địa phương và nhân dân di chuyển từ nút giao quốc lộ 30 ở An Thái Trung, huyện Cái Bè về nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (giáp với cao tốc TPHCM - Trung Lương).

Công nhân xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫy chào đoàn xe lần đầu lăn bánh trên tuyến cao tốc.

"Như nhiều công nhân xây dựng khác, tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi khi tuyến đường cao tốc này đang dần đi vào hoạt động. Tuyến cao tốc là sự mong mỏi của biết bao người dân ở đây", ông Nguyễn Văn Thể (48 tuổi, công nhân xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cho hay.

Đoạn đường với tổng chiều dài 51,5km, chiều rộng 17m gồm 4 làn xe và 6 làn dừng khẩn cấp.

"Có thể nói, đây là một công trình thắng lợi về ý chí và sự quyết tâm. Tất cả chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành công trình ngày hôm nay", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói trong buổi lễ.
Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần nghiên cứu xây dựng tốc độ nhanh tuyến TPHCM - Cần Thơ để phát triển chuỗi đô thị tại khu vực này.

Dự kiến toàn tuyến được triển khai một số trạm thu phí chính tại điểm đầu, điểm cuối cao tốc và tại một số trạm thu phí phụ tại khu vực kết nối với các tỉnh lộ dẫn vào trung tâm huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang.

Cao tốc dài 51km sau khi thông xe sẽ giúp giảm tải quốc lộ 1A, ôtô chạy từ TPHCM đến Mỹ Thuận từ 3 tiếng còn khoảng 1 tiếng 45 phút. Suốt tuyến có 39 cầu trên tuyến và 14 cầu vượt. Hiện cao tốc đã xong tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối.

Điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) giao với quốc lộ 30.

Trước đây, người dân ở các tỉnh thành miền Tây đi làm ăn xa khi về quê trong mỗi dịp lễ tết luôn ám ảnh bởi cảnh kẹt xe hàng cây số trên quốc lộ 1A. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào hoạt động sẽ giảm thiểu kẹt xe, ùn tắc trên trục đường này, đồng thời cũng rút ngắn quãng đường di chuyển từ TPHCM về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ip Thiên - Quế Hương

Nguồn: dantri.com.vn