Công trường đang thi công rầm rộ thì ngày 7/7, Chỉ huy trưởng gói thầu có biểu hiện ho, sốt, đi khám và xét nghiệm thì dương tính với Covid-19.
Những dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công với tiến độ tốt thì dịch Covid-19 bỗng dưng ập tới, công trường xuất hiện những ca dương tính và cả những công nhân là F1 phải đi cách ly. Điều này gây không ít hoang mang cho công nhân, kỹ sư đang làm việc.
Tuy nhiên, vượt lên sự hoang mang, tất cả đều quyết tâm với mục tiêu duy nhất là không để công trình chậm tiến độ ngày nào.
Một số đoạn trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, nhà thầu đã thi công thí điểm móng cấp phối đá dăm trong điều kiện dịch Covid-19 bủa vây
Cả công trường hoang mang
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì vậy, tiến độ của dự án này được người dân miền Tây theo dõi, giám sát hàng ngày.
Cuối năm 2020, cao tốc đã được nối thông, nhưng theo kế hoạch phải đến tháng 11/2021 mới hoàn thành toàn bộ vì phải xử lý những vấn đề kỹ thuật phức tạp.
Sau khi từng bước giải quyết những vướng mắc về nguồn vật liệu, nguồn vốn… các gói thầu đang bám quyết liệt tiến độ để về đích đúng hẹn.
Thế rồi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tấn công mạnh ở nhiều tỉnh thành phía Nam. Đầu tháng 6/2021, Tiền Giang phát hiện 2 ca dương tính là cán bộ kỹ thuật đang làm việc tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Liên tiếp những ngày sau đó, qua xét nghiệm đã phát hiện thêm 18 ca là cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc ở dự án này. Hàng trăm nhân sự khác thuộc diện F1, F2 phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại chỗ.
Đây là dự án giao thông đầu tiên có cán bộ bị nhiễm Covid-19 đang làm việc tại công trường, vì vậy cũng gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho cán bộ, công nhân đang làm việc tại nhiều dự án trọng điểm khác. Một số gói thầu phải tạm ngưng thi công, việc cung ứng vật liệu tê liệt do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng khởi đầu với nhiều gian nan khi các nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị đến công trường nhưng không có nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường.
Tại gói thầu XL-01, các nhà thầu đã thí nghiệm và được cấp phép tận dụng nguồn đá khi đào đường để xay nghiền làm vật liệu đắp nền, khối lượng khoảng 1 triệu m3. Đây là tín hiệu vui hơn so với những gói thầu khác, vì đang thiếu khoảng 8 triệu m3 đất đắp.
Công trường đang thi công rầm rộ thì ngày 7/7, Chỉ huy trưởng của gói thầu có biểu hiện ho, sốt, khi đi khám và xét nghiệm thì dương tính với Covid-19.
Hàng chục cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc diện F1 được đưa đi cách ly tập trung. Toàn bộ công trường phải tạm dừng 1 tuần để rà soát, xét nghiệm.
Cách đó không xa, tại gói thầu XL-03, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, một công nhân của Công ty Trung Chính trong lúc đi tiêm ngừa uốn ván tại một trung tâm xét nghiệm ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai không may đã bị lây nhiễm Covid-19. Có 29 công nhân diện F1, F2 liên quan phải đưa đi cách ly, theo dõi.
Có thể nói, với đợt dịch thứ 4, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đại công trường các dự án giao thông đã bị tấn công, dù đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Điều này đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho những người đang tham gia các dự án trọng điểm này.
Xốc lại tinh thần, quyết không lùi tiến độ
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, là người trực tiếp chỉ huy tại dự án. Khi văn phòng Ban quản lý dự án có những ca F0, ông Đông thuộc diện F1 và cũng phải đi cách ly theo quy định.
Những ngày sống trong khu cách ly, ông Đông nóng hết ruột gan, bởi hàng chục cán bộ cũng phải đi cách ly, trong khi ngày hoàn thành toàn bộ dự án cứ rút ngắn dần.
Với sự chuyên nghiệp trong công tác quản lý, Tập đoàn Đèo Cả đã cử ngay một ê-kíp từ dự án khác đến để xốc lại tinh thần anh em kỹ sư, công nhân tại công trường.
Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, được cử trực tiếp phụ trách dự án cho biết, diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, tuy nhiên không vì vậy mà nản lòng.
Tập đoàn Đèo Cả đã chuẩn bị các phương án “sống chung với dịch bệnh”, đảm bảo mục tiêu kép, vừa hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa tổ chức thi công giữ vững mục tiêu hoàn thành dự án.
Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục rót thêm 500 tỷ đồng vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm hỗ trợ các nhà thầu gặp khó khăn về nguồn vật tư, vật liệu và tài chính, để đảm bảo nhịp độ thi công.
Đến nay tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đạt hơn 80% khối lượng. Các nhà thầu đã bắt tay vào thi công phần thảm nhựa, hoàn thiện các cầu trên tuyến để kịp tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2021 như cam kết.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 cho biết, hơn 2 tháng qua bám chốt tại Ban quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, không về nhà được.
“Trong tháng 5, quận Gò Vấp, TP.HCM thực hiện giãn cách toàn quận khi có ổ dịch bùng phát, nhà tôi trong khu vực này nên phải ôm gối ngồi nhà, ruột như lửa đốt”, ông Khoát kể và cho biết, những khó khăn về nguồn đất đắp, giá vật liệu tăng chóng mặt, những nút thắt về giải phóng mặt bằng, các vấn đề phát sinh… đều cần phải trực tiếp có mặt mới giải quyết nhanh được.
Thế rồi, khi quận Gò Vấp gỡ phong tỏa, ông Khoát chạy ngay ra công trường để trực tiếp chỉ huy. Lúc này, đồng loạt 19 tỉnh miền Nam đều thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Vì vậy nếu về nhà lúc rồi ra lại công trường phải cách ly tập trung nên ông Khoát bám luôn ở công trường.
Thời điểm Chỉ huy trưởng gói thầu XL-01 dương tính với Covid-19, toàn bộ công trường phải tạm nghỉ 1 tuần để xét nghiệm. Dự án đã bị chậm so với kế hoạch vì các gói thầu không đủ nguồn đất đắp nền, nếu bị dịch Covid-19 tấn công, nguy cơ vỡ tiến độ là có thật.
Ông Khoát phải họp các chỉ huy trưởng các gói thầu, xốc lại tinh thần anh em. Những ai liên quan đến F1 phải đi cách ly tập trung; F2 phải đi cách ly tại chỗ. Hơn 2.000 công nhân, kỹ sư ngày đêm bám dự án được động viên cũng đã cảm thấy yên tâm với công tác phòng dịch tại dự án.
Sau khi xét nghiệm, những gói thầu nào không có ai dương tính vẫn tiếp tục thi công bình thường.
“Các nhà thầu cũng nhận thấy trách nhiệm hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên tăng cường kiểm soát. Công trường đóng cổng thi công ngày đêm để bù tiến độ”, ông Khoát nói và cho biết, đến nay dự án đã đạt trên 13% tiến độ. Ban quản lý dự án đang phối hợp với địa phương để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về nguồn vật liệu.
Tại dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sau khi đã tách ca F0 đưa đi cách ly và điều trị, Ban QLDA Thăng Long cũng đã tăng cường thực hiện các biện pháp trong phòng dịch, kiểm soát chặt người, phương tiện ra vào công trường.
Đến nay, nhà thầu đã thi công hơn 4km cấp phối đá dăm, thi công thử thảm hơn 2km nhựa tại gói thầu XL-03.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, những khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương chắc chắn sẽ có tác động và ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Tuy vậy, Ban quản lý dự án và các nhà thầu cũng đang khắc phục, vượt qua những khó khăn để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch.
Tư Doãn
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vua-chong-dich-vua-lam-cao-toc-chuyen-gio-moi-ke-d522413.html