Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án cao tốc cấp bách, có vai trò rất quan trọng kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL cũng như cả nước - Ông Lưu Xuân Thuỷ đánh giá
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT DCG đánh giá: “Đó là một đề xuất cầu thị, dũng cảm. Chúng tôi có trách nhiệm đối với sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước và đang nghiên cứu đề xuất này trên tinh thần sẽ nỗ lực hết sức cùng nhà đầu tư hoàn thành dự án này”.
Trước đó, ngày 28/1,Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận cho bổ sung DCG vào liên danh, thay thế Công ty TNHH Yên Khánh (là một trong 6 công ty trong liên doanh Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đóng góp 30% vốn cho tổng dự án).
Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho rằng công ty Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, khó hoàn thành vào tháng 9/2020 như thời hạn và dự án sẽ bế tắc nếu không có điều chỉnh thay đổi nhà đầu tư, tái cơ cấu vốn…
Đặc biệt vì lý do đó, các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án yêu cầu phải có nhà đầu tư thay thế nhà đầu tư Yên Khánh mới chấp thuận tiếp tục cho vay vốn tín dụng.
Cùng với đó là một loạt các vướng mắc về lãi suất vay tín dụng, phương án tài chính, chuyển đổi cơ quan nhà nước quản lý dự án từ Bộ GTVT về địa phương (UBND tỉnh Tiền Giang) cần được tháo gỡ.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT cho bổ sung nhân sự của DCG vào điều hành dự án (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc…), nhằm cơ cấu lại nhân sự trong liên danh.
Theo đó, DCG sẽ cho người vào tham gia cơ cấu nhân sự của liên danh, tham gia cơ cấu lại phương án vốn và kiểm toán dự án, rà soát tổng mức đầu tư cho phù hợp, đưa vốn vào liên danh (30%)…
Trước đề xuất của nhà đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả đã có báo cáo với lãnh đạo bộ Giao thông vận tải. Đại diện DCG cũng xác nhận đã làm việc với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận xung quanh đề xuất liên danh, hỗ trợ tiếp tục thực hiện dự án để sớm hoàn thành tuyến cao tốc này.
Ông Lưu Xuân Thủy cho rằng đây là dự án cao tốc cấp bách, có vai trò rất quan trọng kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL cũng như cả nước.
Trước những lo ngại về việc huy động vốn, tính pháp lý của dự án, ông Lưu Xuân Thủy cho biết: “Chúng tôi là nhà đầu tư hạ tầng giao thông tiên phong. Chúng tôi có cơ sở tháo gỡ vốn. Kịch bản tham gia xây dựng đường cao tốc này như thế nào, còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo từ phía Bộ GTVT. Nhưng, với kinh nghiệm tháo gỡ các vướng mắc dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, với năng lực của một nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu chúng tôi tin, nếu được thực hiện sẽ thành công”.
Những năm gần đây, Tập đoàn Đèo Cả đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng hầm đèo Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và đang thi công hầm Hải Vân (đường ống thứ 2).
DCG cũng đang thi công các đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Chi Lăng - Hữu Nghị và sắp tới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
http://vlr.vn/giao-thong/tap-doan-deo-ca-san-sang-tham-gia-xay-dung-cao-toc-trung-luong-my-thuan-theo-de-xuat-4316.vlr