Đại diện ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu ký kết thỏa thuận cung cấp vốn tín dụng cho dự án tại hội nghị.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm khơi thông “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông lâu nay để phát huy thế mạnh của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất lúa, xuất khẩu lương thực, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km, được khởi công lần đầu từ tháng 11-2009. Đến nay, sau gần 10 năm triển khai, dự án này mới chỉ hoàn thành khoảng 16% khối lượng công trình, dù khối lượng giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 98%.
Theo Thông báo số 99/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án này bị chậm tiến độ kéo dài do có những khó khăn, vướng mắc trong việc huy động vốn, do thay đổi cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), do năng lực của nhà đầu tư. Vướng mắc lớn nhất là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại Trạm thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được. Một vướng mắc khác là 1 trong 6 thành viên liên danh nhà thầu liên quan đến nhiều vụ án hình sự…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, Thường trực Chính phủ đã họp và Thủ tướng Chính phủ đã có Kết luận: Tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước (2.186 tỷ đồng) để đến cuối năm 2020 thông tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang để chủ động hơn trong việc phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo Kết luận số 99/TB-VPCP, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tiến hành sắp xếp, bổ sung Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào Liên danh Nhà đầu tư, chủ động triển khai việc thi công dự án, nghiên cứu lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu, điều chỉnh thiết kế,… để bù đắp tiến độ thực hiện đã bị chậm trước đây (gần 5 năm qua). Cùng với đó, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tiến hành các giải pháp tổ chức lại thi công, kế hoạch chi tiết tập kết vật liệu xây dựng, hoàn chỉnh lại bộ máy… làm cơ sở để điều chỉnh tổng tiến độ thực hiện để đạt mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án theo Thông báo Kết luận số 99/TB-VPCP vẫn đang tiếp tục gặp một số khó khăn. Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả) Hồ Minh Hoàng cho biết, đến nay việc chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vẫn chưa hoàn tất các thủ tục hành chính. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn chưa thực hiện được. Đây là một khó khăn lớn cho dự án vì sẽ dẫn đến tình trạng khó giải ngân kịp thời nguồn vốn 500 tỉ đồng (trong số 2.186 tỉ Nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Nhiều đại biểu cũng thống nhất nhận định: Muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để có thể thông tuyến vào cuối năm 2020, cần phải khai thông và tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư, ngân hàng, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn, các cơ quan thông tin truyền thông,... Mặt khác, các đối tác, các bên có liên quan phải thông về tư duy trong việc hợp tác bình đẳng; cùng nhau chia sẻ rủi ro, trách nhiệm; cùng nhau hành động với quyết tâm chính trị cao nhất. Song song đó, cần tổ chức điều hành dự án khoa học; tổ chức giám sát khách quan; khả năng tài chính thật sự; Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng tài trợ vốn, Nhà đầu tư chủ động đề xuất và giải quyết các thủ tục đầu tư đã bị vướng mắc kéo dài và đặc biệt là tăng cường công tác thông tin, truyền thông để có được sự phối hợp, đồng lòng hỗ trợ của người dân trong quá trình triển khai thi công dự án.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã trình bày các giải pháp cụ thể, chính sách lựa chọn nhà thầu, chính sách tài chính nhà thầu; đại diện nhà đầu tư - ngân hàng - các doanh nghiệp - các nhà thầu - các đơn vị tư vấn đã ký kết các thỏa thuận cung cấp vốn tín dụng, cung cấp nhiên liệu, vật liệu bình ổn giá cho dự án và nêu quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020, không phụ lòng mong mỏi của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long./.
Theo Huy Vũ
http://www.tapchicongsan.org.vn/home/thoi_su/2019/54747/tang-cuong-trach-nhiem-de-thao-go-kho-khan-dua-du-an.aspx