Gỡ “nút thắt” cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu từ bài toán vốn

08/08/2019
Giải “bài toán” vốn sẽ là "chìa khoá" khơi thông dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT đang ách tắc lâu nay.

Ngày 7-8-2019, UBND tỉnh Tiền Giang với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, giai đoạn 1 đã tổ chức cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam(NHNN), các ngân hàng cung cấp tín dụng, nhà đầu tư để tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến Hợp đồng tín dụng của Dự án.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang ngổn ngang sau nhiều năm triển khai

Giải "bài toán" vốn

Theo Quyết định Về việc phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT của UBND tỉnh Tiền Giang, tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn BOT 10.482 tỷ đồng; nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỷ đồng, được bố trí giải ngân theo kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước(NSNN).

Nguyên nhân do tăng chi phí giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu; bổ sung cầu vượt, đường dân sinh, hệ thống giao thông thông minh, cây xanh, hệ thống chống ồn chống chói; điều chỉnh nút giao An Thái Trung để phù hợp quy mô cầu Mỹ Thuận 2 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Ngoài ra, còn điều chỉnh giải pháp thiết kế xử lý đất yếu, điều chỉnh kết cấu áo đường để rút ngắn thời gian thi công nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 272/TB-VPCP ngày 2-8-2019

Về phương án tài chính, vốn chủ sở hữu là 1.542,835 tỷ đồng, tương ứng 14,72% tổng vốn đầu tư(không bao gồm vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ); vốn huy động hợp pháp khác(không kể vốn vay từ các ngân hàng thương mại) là 1.244,532 tỷ đồng tương ứng 11,87% tổng vốn đầu tư. Lãi suất vốn vay, lãi suất vốn huy động hợp pháp khác trong thời gian xây dựng và khai thác tạm tính 11,0%/năm. Thời gian hoàn vốn 14 năm 8 tháng 12 ngày. Thời gian trả nợ ngân hàng 12 năm 3 tháng (không kể thời gian ân hạn).

Tại cuộc họp, theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, nhà đầu tư đã góp và huy động được 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.542 tỷ đồng, vốn huy động khác 958 tỷ đồng.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho rằng, yêu cầu vốn tự có của nhà đầu tư 30% như hiện nay là quá lớn, nhà đầu tư không thể đáp ứng được cũng như chưa có tiền lệ ở các dự án tương tự. Bởi nếu theo phương án này, vốn tự có của nhà đầu tư lên tới 3800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hạn mức tín dụng chỉ cam kết giải ngân cho chi phí đầu tư không bao gồm VAT cũng sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc tìm nhà tài trợ vốn khác.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN trả lời kiến nghị của nhà đầu tư

Chính vì vậy, theo kiến nghị của đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận: Đối với Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn tăng thu 2018, đẩy nhanh thủ tục giải ngân 2.186 tỷ đồng vốn NSNN hỗ trợ Dự án.

Đối với các ngân hàng tài trợ vốn đưa phần vốn NSNN ra khỏi tổng vốn đầu tư đồng thời kiến nghị NHNN chỉ đạo ngân hàng đầu mối Vietinbank và các ngân hàng hợp vốn xác định khả năng tài trợ vốn, tháo gỡ các điều kiện vay vốn đã đưa ra. Đối với UBND tỉnh Tiền Giang, sớm kí kết phụ lục hợp đồng BOT làm cơ sở cho các ngân hàng thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo.

Trả lời kiến nghị của nhà đầu tư, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho rằng: Đây không phải là bài toán khó, phương án tài chính, nguồn thu, cách thu, thời gian, các bên sẽ ngồi thống nhất lại vì đều chỉ là các yếu tố kỹ thuật. Đây là dự án cấp bách, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt và 20 triệu dân đang chờ ngóng con đường này. Dự án đã qua giai đoạn vướng mắc khó khăn nhất vì vậy, NHNN và các ngân hàng thương mại thấy đây là trách nhiệm rất lớn phải làm quyết liệt đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Tú khẳng định: Những vướng mắc không có gì lớn và các ngân hàng thương mại không thiếu vốn nhưng vay phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, thu hồi được vốn, không để mất vốn, sử dụng sai mục đích nên phải thẩm định lại về mặt pháp lý theo hợp đồng mới là phù hợp. "Trong quá trình xử lý cho vay, nhà đầu tư vướng mắc báo cáo NHNN xử lý trong thẩm quyền. Chúng tôi cũng không đặt điều kiện vốn tự có của nhà đầu tư 30% là điều kiện tiên quyết", ông Tú nhấn mạnh.

Đại diện nhà tài trợ vốn, ông Trần Văn Tần, Thành viên HĐQT Vietinbank, ngân hàng đầu mối tài trợ vốn cam kết cho vay 50% tổng mức cho vay đồng tài trợ và lý giải việc giải ngân chưa thực hiện được do còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

“Các ngân hàng thống nhất các điều kiện tiên quyết về cơ bản đã đáp ứng được theo hợp đồng tín dụng đã ký. Nhưng do phương án tài chính đã thay đổi nên phải thẩm định lại. Thời gian cho vay thoả thuận lại với nhà đầu tư cho phù hợp. Do tài sản đảm bảo ít, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu của dự án, vì vậy các cơ quan liên quan phải có các giải pháp đảm bảo nguồn thu và không bị gián đoạn.”- ông Tần chia sẻ.

Bàn giao mặt bằng trong tháng 8

Đến nay, Tiền Giang đã bàn giao 50,77/51,1 km mặt bằng, đạt 99,34%. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án. Mục tiêu trong tháng 8/2019 cơ bản bàn giao xong mặt bằng.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang mong muốn các bên sớm tìm được tiếng nói chung thúc đẩy dự án về dích sớm

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND Tiền Giang khẳng định: UBND tỉnh Tiền Giang với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã rất nỗ lực trong việc phối hợp cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đặc biệt, đối với công tác giải phóng mặt bằng, một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai dự án chúng tôi theo dõi tiến độ từng ngày.

Đối với tiến độ giải ngân nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỷ đồng, chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan hữu quan để trả lời nhà đầu tư.

"Ngay sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ và thành lập tổ công tác hỗ trợ, thương thảo hợp đồng để ký được phụ lục hợp đồng muộn nhất là cuối tháng 8/2019, làm cơ sở cho ngân hàng thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo của Dự án” - ông Hưởng nhấn mạnh.